Month: Tháng Hai 2016

Nhân chứng của dịch SARS sau 10 năm: Sự sống kỳ lạ của một y tá | giadinh.net.vn

via Nhân chứng của dịch SARS sau 10 năm: Sự sống kỳ lạ của một y tá | giadinh.net.vn.

GiadinhNet – Bệnh SARS được phát hiện tại Việt Nam đầu tiên vào tháng 3/2003, khi BV Việt – Pháp (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nước ngoài mắc bệnh lạ. Trong 45 ngày, dịch gây nhiễm 65 người, làm 5 người Việt Nam tử vong. Y tá Nguyễn Thị Mến – BV Việt – Pháp bị nhiễm SARS, hôn mê sâu hơn 2 tuần nhưng qua khỏi là một điều kỳ diệu đối với giới chuyên môn…

Nhân chứng của dịch SARS sau 10 năm: Sự sống kỳ lạ của một y tá 1

Ngày Rằm, mùng một hằng tháng chị Mến đều ra miếu thắp hương tưởng nhớ những đồng nghiệp đã mất trong dịch SARS 10 năm trước.

Nửa nhân viên bệnh viện mắc bệnh

Tại Bệnh viện Việt – Pháp có ngôi miếu thờ các y bác sĩ đã chết trong cuộc chiến chống dịch SARS. Cách đây tròn 10 năm, nơi đây tiếp nhận ca bệnh đầu tiên mắc SARS và cũng là nơi chịu tổn thất nặng nề nhất về người với 6 y bác sĩ đã ra đi mãi mãi. Trên bia tưởng niệm ghi tên 6 người đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003, theo thứ tự thời gian họ ra đi: Y tá Nguyễn Thị Lượng – 15/3/2003; bác sĩ Jean – Paul Dirosier – 19/3/2003; y tá Phạm Thị Uyên – 24/3/2003; bác sĩ Nguyễn Thế Phương – 24/3/2003; bác sĩ Nguyễn Hữu Bội – 12/4/2003; bác sĩ Jacque – 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

Gặp y tá trưởng Nguyễn Thị Mến – bệnh nhân nặng nhất qua khỏi trong đợt dịch SARS 2003 tại BV Việt – Pháp thấy ký ức in đậm trong từng lời kể của chị.

Vài ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Hong Kong, quốc tịch Mỹ tên Chong Cheng, chị Mến thấy người ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Gọi điện đến BV xin nghỉ thì được biết vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự. Dù được kiểm tra, uống thuốc, xông hơi… nhưng bệnh chị càng lúc càng nặng hơn. “Cùng lúc một loạt nhân viên xin nghỉ ốm đến nỗi sếp còn tưởng bọn mình đình công”, chị nói.

Vừa nói vừa xoa đôi bàn chân tê mỏi do di chứng để lại, y tá Mến tiếp tục câu chuyện của mình: “Trước ngày tôi hôn mê có nhiều đồng nghiệp cũng mắc bệnh cùng nhập viện. Nằm bên cạnh tôi lúc đó là bạn Uyên – đồng nghiệp thân thiết của tôi ho rũ rượi. Tôi thì sốt cao, rét từng cơn, nhiệt độ lên tới 42 độ. Tôi vẫn nhớ có ai đưa mình đi đo huyết áp, chuyển phòng. Sau này mới nghe kể lúc đó chuyển phòng để đặt nội khí quản cho Uyên để thở máy. Ngày Uyên mất thì ngày đó tôi cũng rất nặng, BV gọi về nhà bảo người nhà chuẩn bị bộ quần áo sẵn phòng lúc mất.

Từng người, từng người ra đi, BV lúc đó rối ren vì gần một nửa nhân viên mắc bệnh, vậy là bác sĩ phải làm công việc của hộ lý, giám đốc đi đổ rác, hộ lý đi đo huyết áp… Một số bác sĩ bỏ việc không quay lại làm nữa. Tôi còn nghe kể có người đi vào thang máy bấm lên bấm xuống bao lần mới quyết định đi hay không đi”.

Những ngày y tá Mến hôn mê ở BV, chồng chị nhận hơn 10 cú điện thoại gọi đến nhà chia buồn là vợ chết. Cả gia đình sốc ghê gớm, khi BV nói không chết thì gia đình cũng không tin nữa. “Cũng may là dịch SARS chỉ hoành hành trong hơn một tháng rồi tắt. Và trong vòng hơn một tháng đấy thì độc lực của virus này cũng giảm dần. Những bệnh nhân mắc SARS hôn mê, phải đặt nội khí quản chỉ có tôi là người duy nhất còn sống”, chị Mến kể.

Cả gia đình bị kỳ thị, xa lánh

Thoát khỏi tử thần nhưng chị Mến không biết rằng người nhà mình bị cách ly từ khi biết chị mắc SARS. Ra viện một tháng các con chị vẫn chưa được đi học. Vợ nằm một chỗ, chồng phải đi chợ hoặc ra ngoài ăn cũng phải chọn một cái quán nào thật xa không ai biết mình. Con thì không có bạn chơi. Lúc đó chị sốc về bệnh thì ít mà sốc về tâm lý thì nhiều!

Chị còn nhớ mình gọi điện cho nhà trường để con được đi học thì nhà trường cho biết  phải có xét nghiệm máu nhưng nhiều BV lại không dám làm xét nghiệm cho cháu. Họ bảo cháu đi học thì phụ huynh sẽ phản đối, cho con nghỉ hàng loạt. Lúc nằm viện chị không ngờ mọi việc lại náo loạn đến như thế. Về nhà tìm một chiếc áo lành lặn để mặc cũng không có vì người ta phun thuốc khử trùng vào ố vàng hết. Hàng xóm thì sơ tán, bố chồng ở tận Bắc Ninh lên thăm con dâu về cũng bị mọi người xa lánh. “Đến gia đình em bé mình chăm sóc ở viện trước khi bị SARS cũng gặp cảnh tương tự. Gia đình này mở cửa hàng điện tử, gas.. chẳng có ai mua, đi chợ mua thức ăn người ta cũng không chịu bán”, chị kể.

Sau khi xuất viện, chân phải chị Mến bị liệt, những tổn thương thần kinh, phổi khá nặng. Cả thời gian dài chị không tìm thấy một giấc ngủ bình thường. Chị phải điều trị vật lý trị liệu, châm cứu trong vòng nhiều tháng mới gượng đứng dậy được. Sau 3 tháng 3 ngón chân mới động đậy, sau 5 năm châm cứu bấm huyệt phục hồi chức năng giờ đôi chân vẫn đi lại khập khiễng.

“Mất ngủ triền miên, tôi phải có người massage, gội đầu mới có được giấc ngủ. Chồng tôi tình nguyện đêm nào cũng bóp chân cho vợ, hai người nằm trở đầu nhau như thế suốt mấy năm. Quen đến nỗi sau này cứ phải bóp chân cho vợ chồng mới ngủ được”, kể đến đây chị Mến bật cười hạnh phúc.

“Khi trải qua cuộc “thập tử nhất sinh” liền kề cái chết thì cuộc sống có nhiều đổi khác. Qua đó người ta sống bình tĩnh hơn, nhân ái hơn, quý trọng tất cả những gì cuộc sống đã ban tặng cho mình. Nhiều khi đau đớn muốn nghỉ để có nhiều thời gian tập luyện nhưng nghĩ lại thấy phí quá, mình phải làm thêm phần của cả những người đã mất. Cuộc sống luôn đòi hỏi con người ta phải cố gắng và mọi cố gắng đúng đắn đều có hương vị ngọt ngào”, y tá Mến chia sẻ.

Tháng 3, tháng 4 hằng năm là một dịp đáng nhớ của BV Việt – Pháp cũng như cá nhân chị Mến. Rằm, mùng một hằng tháng chị đều ra ngôi miếu nhỏ thờ 6 y bác sĩ Việt Nam và nước ngoài đã ngã xuống trong trận dịch SARS 10 năm trước để thắp nhang tưởng nhớ họ.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên khống chế được SARS

Giống như nhiều quốc gia khác, SARS tràn qua Việt Nam như một cơn bão, không chỉ để lại những thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra những khoảnh khắc đầy bi hùng. Ngày 26/2/2003, người bệnh SARS đầu tiên (một thương nhân người Mỹ gốc Hoa) mắc bệnh ở Hong Kong, vào Bệnh viện Việt – Pháp – Hà Nội vì sốt, ho và khó thở. Rất nhanh, chỉ sau 5 ngày SARS đã lây sang các thầy thuốc và người bệnh đang nằm viện, đồng thời gây dịch ra cộng đồng (Hà Nội và Ninh Bình).

Bộ Y tế khẩn trương vào cuộc với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ủy ban phòng chống SARS được thành lập, trực tiếp điều hành cả nước phòng chống dịch. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới là những đơn vị được giao nhiệm vụ sớm nhất, trực tiếp cùng Bệnh viện Việt – Pháp, Sở Y tế Hà Nội, Ninh Bình… bao vây khống chế dịch, thực hiện 2 mục tiêu cơ bản là không để dịch SARS tiếp tục lan rộng và hạn chế tử vong cho những người bệnh SARS đang nằm viện.

Trải qua 45 ngày (26/2 – 8/4/2003), bằng tấm lòng quả cảm, sự lao động sáng tạo, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế (WHO, JICA, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới…), chúng ta đã chống SARS thành công. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được WHO xác nhận đã khống chế thành công dịch SARS (ngày 28/4/2003).

Hoài Nam

Tưởng nhớ Carlo Urbani | Báo Người Lao Động Online

Danang’s lung syndrome

via Tưởng nhớ Carlo Urbani | Báo Người Lao Động Online.

25/11/2007 01:04

Trong cơn dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm như hiện nay, tự nhiên tôi muốn tưởng nhớ đến một con người hy sinh bản thân mình để ngăn chặn dịch SARS: Bác sĩ Carlo Urbani.

Mùa xuân 2003, giới y học đã chứng kiến một cơn khủng hoảng chưa từng thấy: dịch SARS. Không những vì tính chất lan rộng cực kỳ nhanh chóng, mà còn vì đa số những nạn nhân đầu tiên của cơn dịch hiểm ác này đều là nhân viên y tế.

Ở Hồng Kông, 25% bệnh nhân SARS là thầy thuốc và điều dưỡng, trong đó có cả một giám đốc điều hành bệnh viện (BV). Tại Việt Nam, trong số 60 bệnh nhân SARS đầu tiên, quá nửa là nhân viên y tế. Thời điểm đó, toàn cảnh về dịch SARS quả thực là một bức tranh đáng sợ: Các phòng cấp cứu và săn sóc đặc biệt đều chật cứng và quá tải. Tệ hại hơn, vì một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân lực để chăm sóc các bệnh nhân thập tử nhất sinh này càng thêm khủng hoảng trầm trọng.

Có thể nói không ngoa, dịch SARS đã dựng nên một kịch bản có thật 100%, mà mức độ kinh dị của nó thì vượt quá những phim toát mồ hôi lạnh của Michael Crichton, nhà biên kịch phim truyện Mỹ, và cũng từng là một bác sĩ khoa phẫu thuật thần kinh.

Ai là người có công đầu trong việc ngăn chặn cơn đại dịch hiểm ác này, nếu không phải là BS Carlo Urbani?

Cú điện thoại định mệnh

Ngày 28-2-2003, BV Pháp Việt Hà Nội, một BV tư với quy mô khiêm tốn 60 giường, đã liên hệ với đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội để xin trợ giúp về chuyên môn cho một bệnh nhân viêm phổi nặng có triệu chứng giống cúm, nhưng không phải cúm. Như một định mệnh, BS Carlo Urbani, một chuyên gia người Ý về bệnh truyền nhiễm, đã nhận cú điện thoại này.

Có mặt tại thực địa, người thầy thuốc này đã nhanh chóng nhận ra tính chất kỳ lạ đầy bất thường của ca bệnh. Thật nhanh chóng, Urbani thiết lập phòng làm việc của mình ngay tại BV, thu thập hồ sơ, sắp xếp gởi bệnh phẩm đi thử nghiệm bằng con đường ngắn nhất và siết chặt các quy trình kiểm soát nhiễm trùng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Urbani, nhiều nhân viên BV đã chấp nhận cách ly họ hoàn toàn, ăn ngủ ngay trong BV để tránh nguy cơ lan rộng của căn bệnh sát thủ lạ lùng này.

Cùng với các chuyên gia hàng đầu, BS Urbani, bằng trực giác y học thiên bẩm và đáng khâm phục của mình, đã nhanh chóng nhận ra mối nguy hiểm chết người hàng loạt của căn bệnh kỳ lạ và chưa hề được biết đến này. Ngay trong ngày chủ nhật 9-3-2003, đại diện của WHO, trong đó có BS Urbani đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với Bộ Y tế Việt Nam.

Trong cuộc họp kéo dài 4 giờ này, với lòng nhiệt thành, kiến thức uyên bác và sự đáng tin cậy sẵn có, BS Urbani đã thuyết phục được giới chức y tế Việt Nam có những quyết định dũng cảm và sáng suốt: Cách ly hoàn toàn BV Pháp Việt, thiết lập những quy chế kiểm soát nhiễm trùng ở mức độ cao nhất cho những BV khác và kêu gọi sự trợ giúp về chuyên môn của cộng đồng quốc tế.

Ngay sau đó, những chuyên gia hàng đầu của WHO, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa kỳ (CDC), Tổ chức Các thầy thuốc không biên giới (MSF) đã nhanh chóng có mặt ở Hà Nội. Các chuyến bay với những trang thiết bị dành cho cơn dịch Ebola ghê gớm cũng khẩn cấp đáp xuống sân bay Nội Bài.

BV Pháp Việt Hà Nội tạm thời đóng cửa, các bệnh nhân SARS được chăm sóc và cách ly nghiêm ngặt tại BV Bạch Mai, dưới sự hỗ trợ của MSF. Trong một diễn biến khác, các chuyên gia của hơn 10 quốc gia đã nhanh chóng phân lập được thủ phạm của SARS, coronavirus, xác định chuỗi gien của nó và thiết lập được quy trình chẩn đoán nhanh chóng. Hơn thế nữa, bằng những nỗ lực mang tính quốc tế này, người ta đã bắt đầu hy vọng về một thuốc đặc trị và xa hơn là một thuốc chủng, trong một tương lai gần.

Sự hy sinh dũng cảm, đáng kính

Dịch SARS đã có một kết thúc có hậu: Bị chặn đứng nhanh chóng, hoàn toàn. Nhân loại thở phào nhẹ nhõm. Giới chuyên môn có thêm những kiến thức vô giá về một căn bệnh chưa hề biết, và được hiểu rõ tường tận trong một thời gian kỷ lục. Trong đó, không thể không công nhận những đóng góp đáng kể của y giới Việt Nam.

Tuy nhiên, người đồng nghiệp tài giỏi của tôi lại không thấy được thành quả từ những đóng góp to lớn của mình. Ngày 11-3-2003, trên một chuyến bay về Bangkok – Thái Lan, Urbani đã nhuốm bệnh. Khi đến nơi, người thầy thuốc này đã yêu cầu không ai được tiếp xúc với mình.

Các đồng nghiệp từ CDC của Urbani chỉ biết ngồi đó, thinh lặng, nhìn chiếc xe cứu thương vũ trang đầy các thiết bị cách ly chở đồng nghiệp của mình về một BV của Bangkok. 18 ngày sau, căn bệnh SARS bùng phát ở bệnh nhân Carlo Urbani. Ngày 29-3-2003, người thầy thuốc đáng kính và tài giỏi này vĩnh viễn chia tay với gia đình, đồng nghiệp, trong niềm thương tiếc vô hạn của y giới quốc tế.

Tại sao không?

Trực giác nghề nghiệp của Carlo Urbani thật đáng khâm phục và thèm muốn cho bất cứ nhà lâm sàng nào trên thế giới. Phải nhắc đến hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn (ARDS), khi được phát hiện lần đầu tiên bởi các bác sĩ quân y Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam dưới cái tên bí ẩn “Hội chứng phổi Đà Nẵng” (Danang’s lung syndrome), hơn 20 năm sau, mới được làm sáng tỏ và viết vào các sách giáo khoa y học.

Bằng cách nào, người thầy thuốc này đã nhận dạng nhanh chóng căn bệnh chưa từng ai biết đến, chưa từng được đề cập đến trong y văn trong một thời gian ngắn ngủi như vậy? Sự tiếp cận nhanh chóng, đồng thời với các động thái chống dịch quyết liệt, và những hy sinh cá nhân đầy quả cảm, đã được sự hưởng ứng và đồng thuận từ phía Việt nam cũng như từ cộng đồng quốc tế. Rõ ràng, những nỗ lực này đã cứu được nhân loại khỏi một đại dịch ghê gớm và hoàn toàn có thể dẫn đến vô số hậu quả khôn lường.

Vì vậy, hoàn toàn xứng đáng nếu như tên Urbani đã được trang trọng đặt cho con virus thủ phạm của SARS, như y học đã dành cho vi trùng Koch, vi khuẩn Hansen, Pastereulla… Họ là những người, nhờ tài năng y học thiên bẩm và sự uyên bác của mình, đã góp phần cứu thế giới, vốn đầy rẫy tai ương và dịch bệnh qua các thời đại.

Còn chúng ta, một con đường, một BV, hay một tượng đài trang trọng mang tên Carlo Urbani, tại sao không? Để những bài học sáng chói trong cuộc chiến chống SARS không bao giờ chìm vào quên lãng! Để sự hy sinh của người thầy thuốc tài giỏi này không bao giờ là uổng phí! Tại sao không?

Tạp chí New England Journal Medicine, một trong số ít những tạp chí y học lừng danh thế giới, đã đưa ra một nhận định mang tính khen ngợi: “Khi đối mặt với dịch SARS một cách công khai và quyết đoán, hình ảnh và nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ bị tổn hại. Tuy nhiên, nếu sự việc bị lẩn tránh và giấu giếm, các kết cục tiếp theo có thể là thảm họa”. (Nguồn: N. Engl J Med, 348:20)

BS Lê Đình Phương (BV Pháp Việt)

Bác sỹ Mỹ giải đáp: Sữa có thật sự gây loãng xương? – VietNamNet

via Bác sỹ Mỹ giải đáp: Sữa có thật sự gây loãng xương? – VietNamNet.

Bác sỹ Mỹ giải đáp: Sữa có thật sự gây loãng xương?

 – Cách đây khoảng 2 tuần, trên một số báo lớn ở Việt Nam có đăng tải/dẫn lại một bài báo được cho là trích từ nước ngoài, có dẫn ý kiến của bác sỹ tại Harvard (ẩn danh) với thông điệp “muốn không bị loãng xương, hãy ngừng uống sữa”.

Sau bài viết này, VietNamNet nhận được bài viết của BS Huynh Wynn Tran, MD (Tổ chức Y khoa VietMD.net, USA), phân tích và giải đáp câu hỏi: Sữa có thực sự gây loãng xương không như bài viết kia đã đề cập hay không? Ngoài ra, BS Huynh Wynn Tran cũng mang tới những thông tin khoa học hữu ích giúp bảo vệ sức khỏe của xương

Vai trò của canxi trong sữa đối với xương

có nhiều ý kiến hỏi tôi về tính xác thực của thông tin và bài viết trên.Trước tiên cần khẳng định rằng “sữa và loãng xương” là một chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua và đến bây giờ vẫn chưa có hồi kết.

tác dụng của sữa, loãng xương
Sữa và loãng xương là chủ đề gây tranh cãi nhiều năm nay

Vậy loãng xương là gì? Xương của chúng ta luôn hoạt động. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta hủy đi xương cũ và tạo ra xương mới vào đúng vị trí. Khi chúng ta càng lớn tuổi, lượng xương bị phá hủy nhiều hơn lượng xương được tạo ra để thay thế. Khi đó chúng ta có thể mất quá nhiều lượng xương và mắc chứng loãng xương.

Sức khoẻ của xương phụ thuộc vào 2 thành phần dinh dưỡng chính là canxi và vitamin D. Khoảng 99% canxi trong cơ thể người được lưu giữ trong xương, răng và canxi là một thành phần chính trong cấu trúc xương. Vitamin D quan trọng trong việc phát triển và duy trì sức khoẻ của xương.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng với sức khoẻ của xương đã được chứng minh qua nhiều nghiêu cứu khoa học. Tăng thêm canxi (dạng viên uống hay sữa) vào thành phần dinh dưỡng sẽ làm tăng lượng xương. Ước tính tăng 10% lượng xương có thể giảm rủi ro gãy xương do loãng xương đến 50%.

Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo thêm canxi và Vitamin D trong chế độ dinh dưỡng nhằm bảo vệ sức khoẻ xương.

Sữa bò là một nguồn dinh dưỡng tốt và dễ dàng cung cấp canxi và Vitamin D. Ngoài ra, có nhiều nguồn dinh dưỡng khác cũng cung cấp canxi và Vitamin D ngoài sữa bò. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều người đánh đồng uống sữa là tăng sức khoẻ xương.

Tại sao cho rằng sữa gây loãng xương?

Vậy thì tại sao có ý kiến cho rằng sữa lại gây loãng xương như bài viết của vị tác giả ẩn danh đề cập đến các BS Harvard?

Câu chuyện bắt đầu từ lý thuyết Acid-Base cân bằng. Sữa gây ra Acid hoá cơ thể, vì vậy sữa làm mất canxi (thay vì cung cấp canxi cho cơ thể).

Trong sữa có nhiều sản phẩm protein dễ tạo ra acid hoá. Canxi là một chất trung hoà acid. Nhiều protein có thể khiến canxi mất đi từ xương do phải trung hoà lượng acid dư trong cơ thể, việc này dẫn đến loãng xương do mất canxi.

Trong lý thuyết, các nhà nghiên cứu cho rằng cơ thể bị acid hoá thông qua đo lường pH trong nước tiểu. Tuy nhiên, Fenton và các cộng sự năm 2011 cho thấy không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào hỗ trợ lý giải này.

Nghiên cứu của Fenton đặt dấu chấm hết cho lý thuyết Acid-Base cân bằng và sữa gây loãng xương. Tuy nhiên, lý thuyết Acid-Base này cũng khiến các nhà khoa học cẩn thận hơn trong việc khuyết khích uống sữa như nguồn cung cấp canxi.

Thay vào đó, họ khuyên uống sữa có hàm lượng chất béo thấp và dùng nhiều nguồn dinh dưỡng đa dạng khác nhau để cung cấp canxi.

Uống sữa nhiều có thật sự tốt?

Vậy uống sữa nhiều có thật sự tốt?

Không hẳn là vậy. Một nghiên cứu khác năm 2014 tại Thuỵ Điển cho thấy nếu uống nhiều hơn 3 ly sữa một ngày có thể tăng rủi ro về bệnh tim mạch, ưng thu, và tử vong.

Nghiên cứu này cũng bị chỉ trích vì không đủ bằng chứng thuyết phục nhưng rõ ràng uống quá nhiều sữa là không tốt.

Tóm lại, sữa không gây loãng xương như tin đồn nhưng uống quá nhiều sữa sẽ không tốt cho sức khoẻ. Có nhiều nguồn dinh dưỡng giàu canxi chứ không riêng sữa bò. Nếu dùng sữa thì nên chọn hàm lượng chất béo thấp.

4 cách cải thiện sức khỏe của xương:

Viện sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo các bước cải thiện sức khoẻ xương:

1. Chế độ ăn cân bằng giàu canxi và Vitamin D (bao gồm sữa có hàm lượng chất béo thấp và thức uống bổ sung canxi).

2. Tăng cường hoạt động thế chất (như tập thể dục).

3. Sống lành mạnh không hút thuốc.

4. Khám bác sỹ thường xuyên.

BS Huynh Wynn Tran, MD (Tổ chức Y khoa VietMD.net, USA)

Tình cảm đặc biệt của bạn bè dành cho chàng tiếp viên hàng không trẻ vừa qua đời khiến ai cũng xúc động – 2191677

via Tình cảm đặc biệt của bạn bè dành cho chàng tiếp viên hàng không trẻ vừa qua đời khiến ai cũng xúc động – 2191677.

#1

Câu chuyện về chàng tiếp viên trẻ tên Dương Châu Toàn đã qua đời vào ngày 13/2 vừa qua sau một tháng chiến đấu trong bệnh viện đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Cái chết bất ngờ của chàng tiếp viên hàng không trẻ tuổi

Những ngày gần đây, câu chuyện đau lòng về chàng tiếp viên hàng không xấu số Dương Châu Toàn (SN 1988) ra đi sau gần một tháng hôn mê bởi tai nạn đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Sự chú ý ấy càng tăng thêm bởi Toàn mất khi tuổi đời còn rất trẻ, khi đang là một cậu thanh niên đầy đam mê và tràn trề nhiệt huyết.

Điều khiến cho nhiều người, ngay cả những người xa lạ dù chưa hề gặp mặt cũng không khỏi xúc động chính là tình cảm bạn bè, tình bằng hữu thiêng liêng và gắn bó mà người ta thấy được trong suốt quá trình Toàn chữa trị. Thế nhưng, cuộc sống vốn dĩ mong manh, dù đã hết lòng nhưng tiếc rằng Toàn vẫn không thể qua khỏi.

Trong gần 1 tháng nằm viện, chàng trai trẻ Châu Toàn đã sống trong tình yêu gia đình, tình thương của bạn bè và những người xung quanh một cách trọn vẹn nhất. Tình cảm sâu đậm đó không thể đong đếm bằng lời hay những giọt nước mắt, mà chỉ có thể được biết đến giống như câu nói một người bạn đã từng tâm sự “khi tất cả đã mất đi thì tới cuối đời, tôi cũng không quên được cậu”.

12043128-1511563565836992-5545851449685537685-n-1455606691781
Nụ cười tươi và ánh mắt đầy hy vọng khi Toàn còn sống.


Dù đối với Toàn bây giờ, mọi lời nói hay hành động đều không thể cảm nhận nhưng ít nhất Toàn đã trong lòng người thân và bạn bè hình ảnh về một chàng trai trẻ đáng mến.

Những người đã luôn ở bên Toàn trong hơn 1 tháng chiến đấu với tử thần

Toàn ra đi đột ngột vào ngày 13/2 khi rất nhiều thứ còn dang dở. Những người bạn thân thiết đã gửi tới anh và gia đình những lời chia buồn cảm động, khiến cho nhiều người dù là xa lạ cũng không cầm được nước mắt.

“Kiếp sau mình làm bạn thân nhất của nhau nữa nha Két ơi. Cảm ơn mày vì 9 năm đầy yêu thương. Tao tự hào vì được là Zoo Bee Thỏ của mày. Chưa ai yêu tao nhiều như mày yêu tao. Mày dạy tao về tình yêu không điều kiện và sự quên mình. Mày ơi ngủ thật ngon thật ngon nha. Mày đã rất kiên cường đến phút cuối. Mãi mãi ở trong tim tao. Bây giờ phải học cách không có mày ở bên. Khó quá…”.

3-1455607634345


Chàng trai trẻ được mọi người yêu mến và gọi với cái tên thân mật “Ton” và những cố gắng trong giây phút cuối đời khiến nhiều người phải khâm phục. Sau những tháng ngày chiến đấu bên gia đình và bạn bè, Toàn đã không thể qua khỏi nhưng trước khi đi, cậu vẫn mỉm cười như cố gắng động viên những người ở lại.

“Ton đặc biệt lắm nhé. 3 ngày trước khi mất, Ton thổ huyết, mặt mày ỉu xìu, hốc hác, nhìn thấy ớn. Vậy mà hôm nay, lại thanh thản như đang mỉm cười. Em là người đầu tiên ra đi mà khiến anh không chút sợ sệt. Ở bên cạnh em lúc này, cạo râu cho em, hôn lên trán, nắm chặt tay, đứng nhìn em thật lâu… Tất cả đều khiến anh cảm thấy tự hào khi được làm những điều này, là một cảm giác rất thân thuộc và gần gũi.

Cảm ơn vì đã gặp và là bạn của anh trong suốt 10 năm qua, đã có những lúc anh không hiểu mà còn “kỳ thị” mày, có những lúc ghét và bỏ rơi mày, rồi anh em mình đã hiểu, chia sẻ và bên cạnh nhau như những người ruột thịt… Anh tin là đến cuối đời này, anh vẫn sẽ không quên được mày, chắc chắn vậy”

4-1455607634680
Toàn còn được nhiều người gọi với cái tên thân mật là Ton.


Cuộc sống ngắn ngủi nhưng Toàn đã làm được những điều mà không phải ai cũng làm được. Đó là để lại những tình cảm, dấu ấn khó quên cho người ở lại.

“Cả tuần nay mỗi sáng mở mắt đều nghĩ tới Ton. Không biết nó có biết rằng một đêm lại vừa đi qua, một ngày vừa thêm. Ngày hay đêm, về mặt cơ học thì chỉ những người xung quanh mới biết. Mình thì tin nó đang ở trong một giấc mơ thật dài, có khi thấy mình là đứa trẻ, hoặc đang sống lại thời gian cũ, hoặc gặp gỡ chuyện trò với người này người khác.

Sáng sớm nay, những tòa nhà nhìn như đang cháy rực, thật ra là mặt trời rọi tới. Ở không gian này hay kia, mặt trời hiện hữu hay không, những đôi mắt có thể không thấy được khoảnh khắc tòa nhà như đang rực cháy, bằng cách nào đó tất cả chúng ta vẫn đang ở bên nhau!”.

12715572-10154035715688013-3036855397348958226-n-1455606691810
Sự ra đi đột ngột của chàng trai hồn nhiên và ước mơ còn dang dở khiến nhiều bạn bè không cầm được nước mắt.


Những lời tâm sự cảm động và chân thành nhất tới từ người thân, anh chị, bạn bè của Toàn sau sự ra đi quá đột ngột khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Sau tất cả, khi một người đã mất đi, mọi người lại trở về với guồng sống, làm việc và học tập hàng ngày, thế nhưng điều quan trọng nhất là tình yêu, tình thân và tình bạn vẫn luôn tồn tại mãi mãi.

Liên lạc với chị Th, chị ruột của nạn nhân Toàn, chị Th cho biết, Toàn bị ngã xe vào ngày 6/1, sau khi ngã được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán là Toàn đứt dây chằng, tuy nhiên vì máu bầm chưa tan nên chưa thực hiện phẫu thuật nối dây chằng ngay lập tức được.

12 ngày sau, chị Th đưa anh đến khoa ngoại dịch vụ để phẫu thuật nối dây chằng. “Ca phẫu thuật khá suôn sẻ, đến 9h tối cùng ngày tôi về nhà và để em gái ở lại chăm sóc Toàn. đến khoảng 3h sáng ngày 19/1, Toàn tự nhiên có dấu hiệu đau nên kêu y tá đến chích thuốc. Sau mũi tiêm đó, Toàn có dấu hiệu lạ, co dật và bất tỉnh”, chị Th chia sẻ.

Chị Th cho biết thêm, các bác sĩ ở bệnh viện đã rất nỗ lực cứu chữa và giờ Toàn đã không còn nên gia đình chị không muốn làm lớn chuyện. Tuy vậy, chị Th cho rằng cái chết đột ngột của Toàn còn rất nhiều uẩn khúc và muốn có một lời giải thích thật thỏa đáng.

“Tôi sẽ có buổi trò chuyện trực tiếp với những người đã chữa trị cho Toàn để tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của Toàn”, chị Th nói.

http://ttvn.vn/gioi-tre/tinh-cam-dac…2163329645.htm